Hy Lạp từ thời cổ đại đã có được những thành tựu nổi bật về hệ thống chính trị, văn học, kiến trúc và tư tưởng triết học. Nó được mệnh danh là "cái nôi của nền văn minh phương Tây". Trong quá khứ huy hoàng của nền văn minh Hy Lạp không thể không nhắc đến những câu chuyện thần thoại nói về các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, các nghi lễ tôn giáo của họ. Trong đó, sự xuất hiện của các mê cung chứa đựng vô số bí ẩn làm hậu thế tò mò.
Biểu tượng mê cung trong thần thoại Hy Lạp
Mới đây, Science Alert đưa tin về một mê cung có niên đại lên đến 4.000 năm tuổi được phát hiện trong quá trình các nhà chức trách địa phương khởi động một dự án xây dựng sân bay quốc tế tại đảo Crete của Hy Lạp. Được biết mê cung này nằm trên một ngọn đồi, có diện tích 1.800 m2 và cấu trúc xây dựng bằng đá có hình dạng độc nhất vô nhị với 8 vòng đá đồng tâm, độ dày trung bình 1,4m. Trong đó có một số phần vòng đá còn tương đối nguyên vẹn, phần còn lại bị ngã đổ theo thời gian, chiều cao lên đến 1,7m.
Toàn cảnh mê cung 4.000 năm tuổi
Mê cung này được cho là thuộc về nền văn hóa Minos vô cùng nổi tiếng ở đảo Crete, phát triển từ khoảng năm 3000 đến năm 1100 trước Công nguyên. Nơi đây từng tồn tại nhiều cung điện xa hoa, nghệ thuật rực rỡ cùng với hệ thống chữ viết bí ẩn. Bộ Văn hóa Hy Lạp tiết lộ rằng các nhà khảo cổ bước đầu nhận định di tích này nhiều khả năng từng được sử dụng định kỳ cho các nghi lễ liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm, rượu vang hoặc là dâng lễ vật. Tuy nhiên, ở đây chỉ mới tìm thấy một lượng lớn xương động vật (có thể dùng cho tế lễ), vẫn chưa phát hiện bất cứ manh mối nào xác định từng có người ở tại mê cung này.
Từ trên cao, mê cung 4.000 năm tuổi trông giống như bánh xe khổng lồ
Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà khảo cổ học vẫn chưa thể xác định được cấu trúc trên đỉnh đồi là gì. Các chuyên gia vẫn đang cật lực khai quật mê cung 4.000 năm tuổi và đến nay vẫn chưa có cấu trúc tương đương từng được tìm thấy trong số các di tích đã biết liên quan đến nền văn minh Minos.